Vì sao Gò Vấp, Thủ Đức địa hình cao vẫn ngập nặng?

Các tuyến cống thoát nước trong khu vực Gò Vấp, Thủ Đức đang trong tình trạng xuống cấp, hệ thống đường ống nhỏ và nhiều tuyến đường có độ dốc lớn đã góp phần làm cho khu vực này thường xuyên bị ngập úng sau mưa lớn. Điển hình như sau cơn mưa kéo dài hai giờ vào sáng ngày 10/10, nhiều tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức đã bị ngập sâu, gây ra tình trạng xe chết máy hàng loạt và nước tràn vào nhà dân hai bên đường. Người đi xe máy cũng gặp nguy hiểm khi phải đi qua những đoạn đường nước sâu, thỉnh thoảng còn phải đối mặt với sóng nước từ các ô tô đi qua.

Dù dùng tấm sắt cao gần nửa mét chắn trước cửa nhà ở đường Dương Văn Cam, chị Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi, phải dùng ca nhựa múc nước tát ra ngoài tránh làm hư hỏng đồ đạc. “Đường này cứ mỗi lần mưa lớn lại ngập, tôi đã nâng nền nhiều lần nhưng nước vẫn vào nhà”, chị Hương nói.

Chị Hương cho biết, tình trạng ngập tại khu vực kéo dài gần chục năm qua. Hàng chục hộ xung quanh nhà chị đã phải nhiều lần nâng nền, lắp cầu thang biến nhà trở thành hầm để thích nghi với ngập triền miên.

Cách đó 10 km, tuyến đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cũng chìm trong nước. Nhiều người phải bị ướt sũng, bì bõm dắt xe chết máy tìm nơi sửa. Nước còn tràn vào gây ngập trụ sở UBND, trung tâm y tế phường 13 (Gò Vấp).

Bán tạp hoá ở tuyến đường này gần 20 năm qua, chị Mai nói quá quen với nhưng hình ảnh trên. Trước cơn mưa, chị chủ động kê hàng hoá lên kệ sắt, dùng tấm ván phủ bạt bên ngoài chắn ngang cửa. Tuy nhiên, nước vẫn chảy vào nhà từ các khe hở khiến chị phải dùng xô múc hoặc lấy giẻ thấm nước vắt ra ngoài.

“Từ đầu mùa mưa đến nay số lần đường bị ngập đếm không xuể. Có đợt mưa lớn nhiều ngày, tôi phải mượn máy bơm để rút nước trong nhà”, chị Mai nói.

Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết các tuyến Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu… thường xuyên ngập ảnh hưởng hàng nghìn hộ dân ở 5 phường 8, 9, 11, 13 và 14. Trước mùa mưa, quận có nạo vét, khơi thông lòng, miệng cống nhưng vẫn không xuể.

Trong khi đó, theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, nửa đầu năm nay lượng mưa trung bình tại các trạm đo ở thành phố giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mưa với cường độ lớn lại tập trung trong thời gian ngắn, gây ngập cục bộ.

Thống kê cho thấy có 25 tuyến đường bị ngập do mưa, tập trung ở Gò Vấp và TP Thủ Đức, vốn là các điểm ngập đã tồn tại nhiều năm qua như Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Thảo Điền, Quốc Hương, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Lã Xuân Oai…

Theo cơ quan này, các khu vực trên bị ngập do hệ thống cống đã cũ, nhỏ hẹp, trong khi nhiều tuyến độ dốc lớn, địa hình trũng thấp so với khu vực xung quanh. Điều này dẫn đến khi mưa lớn, nước từ nhiều nơi dồn về gây quá tải hệ thống cống. Các biện pháp đã được triển khai như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét để khơi thông dòng chảy vẫn chưa hiệu quả.

“Trước năm 2000, mưa kéo dài 3 giờ với vũ lượng 95 mm bình quân 5 năm mới xuất hiện một lần. Nhưng gần đây mưa hơn 100 mm ngày càng nhiều, thậm chí mưa chỉ một giờ song lượng mưa lên tới 150 mm, vượt khả năng tiêu thoát”, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP HCM nói.

Còn theo GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP HCM), ngập tại thành phố ngày càng nặng là hậu quả của quá trình “bêtông hóa” nhanh làm mất sự cân bằng, điều hòa tự nhiên.

Cùng với đó, quy hoạch thoát nước ở thành phố chưa bài bản, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xả rác… làm tắc dòng chảy lại rất phổ biến. Điều này khiến ngay cả những nơi có địa hình cao như Thủ Đức, Gò Vấp, gần đây thường xuyên ngập.

Về giải pháp, GS Bá cho rằng thành phố nên tập trung làm các hồ điều tiết, tận dụng kênh rạch, công viên… để giảm ngập trong mùa mưa, trữ nước mùa khô. Thành phố cần đầu tư tiết diện cống thoát nước lớn hơn để phù hợp bối cảnh biến đổi gây mưa và triều cường khó lường.

Sở Xây dựng cho biết tại quận Gò Vấp đã có kế hoạch triển khai một loạt công trình chống ngập, tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có dự án xây dựng hệ thống thoát nước dài hơn 5 km ở đường Nguyễn Văn Khối và Lê Văn Thọ, tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Ngoài ra, 5 công trình xây dựng, cải tạo hệ thống thoát ở các đường lân cận đã được duyệt chủ trương và thành phố đang cân đối vốn thực hiện.

TP Thủ Đức sắp tới cũng đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước dài hơn 1,2 km, lắp cống tròn đường kính 1-1,2 m hai bên ở 4 tuyến Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Tô Ngọc Vân và Hồ Văn Tư quanh chợ Thủ Đức.

Đồng thời đường Võ Văn Ngân đã được triển khai xây cống thoát nước tổng vốn hơn 248 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do nhà thầu thiếu năng lực. Địa phương đang tìm đơn vị khác thay thế để hoàn thành công trình trong năm 2024.