Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM chỉ đạo các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai căn cứ tình hình thực tế để phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và UBND phường, xã, thị trấn rà soát cấp giấy chứng nhận cho đất tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay…
Đây là nội dung trong văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM gửi tới UBND các quận, huyện, UBND TP. Thủ Đức và Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM về việc giải quyết hồ sơ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay.
Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM chỉ đạo các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai căn cứ tình hình thực tế để phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và UBND phường, xã, thị trấn xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận cho trường hợp mua bán giấy tay. Các đơn vị chủ động lập kế hoạch rà soát, phân loại hồ sơ, thời gian và các bước thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức căn cứ tình hình địa phương để xây dựng cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc rà soát hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan. Đồng thời, có ý kiến về quy hoạch, hạn mức, điều kiện về hạ tầng khi xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận.
UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần chỉ đạo UBND cấp xã có kế hoạch công khai thông tin rộng rãi và tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện kê khai, đăng ký theo quy định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc mua bán nhà đất bằng giấy tay là một dạng tồn tại kéo dài qua nhiều thời kỳ, có thể phát sinh tiếp theo do việc mua bán giấy tay không có xác nhận của cơ quan chức năng, nên việc kiểm tra tính xác thực của thời điểm mua bán là thiếu căn cứ, dễ bị lợi dụng làm trái quy định. Hơn nữa, nếu làm không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng “lách luật” chia tách thửa đất không đảm bảo hạn mức.
Trong văn bản đề xuất UBND TP.HCM hồi tháng 8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị địa phương rà soát, xác minh về người sử dụng đất (bên bán và bên mua), thời điểm, quá trình quản lý sử dụng, hiện trạng, ranh giới sử dụng đất và việc tranh chấp nếu có cũng như rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai.
Nếu hộ dân vi phạm về đất đai thì địa phương xử lý vi phạm trước khi cấp giấy chứng nhận. Trường hợp đủ điều kiện thì giao Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện, TP.Thủ Đức ký cấp giấy cho người sử dụng đất.
Đối với hồ sơ đã tiếp nhận trước ngày 18/6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất chấp thuận thời điểm hình thành thửa đất tách ra để chuyển quyền bằng giấy tay (trước ngày 01/7/2014) được xác định cụ thể theo thời điểm ghi tại giấy tờ mua bán giấy tay. Việc áp dụng quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa căn cứ vào Quyết định 19/2009 và Quyết định 54/2012 của UBND TP.HCM.
Đối với hồ sơ chưa tiếp nhận, địa phương công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để các trường hợp chuyển quyền bằng giấy tay một phần diện tích kê khai chậm nhất đến hết tháng 12/2023, đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận theo quy định. Các hồ sơ phát sinh sau thời điểm kê khai, đăng ký (nếu có) sẽ không có cơ sở xem xét giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lưu ý việc xác định thửa đất được tách ra khi chuyển quyền trên cơ sở xem xét quá trình sử dụng đất, thông tin thửa đất và người sử dụng đất thông qua bản đồ, sổ mục kê, tài liệu kê khai, đo đạc qua các thời kỳ nhằm đảm bảo quy định về hạn mức tách thửa, các điều kiện về cơ sở hạ tầng của địa phương.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM đã giải quyết cấp được 1.579.274 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân (đạt tỷ lệ 99,19%).