Hệ thống hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư, giúp thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận hưởng lợi. Nhiều dự báo, năm 2024, thị trường sẽ hồi phục.
Bất động sản “hưởng lợi” nhờ ăn theo hạ tầng
Dù đã lỡ hẹn nhiều năm, nhưng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vẫn là “điểm tựa” cho các dự án bất động sản xung quanh tăng giá.
Đáng chú ý, tuyến metro số 1 dù chưa chính thức lăn bánh, nhưng giá bán của các sản phẩm bất động sản “ăn theo” đã liên tục tăng cao. Đánh giá về ảnh hưởng của tuyến metro số 1 đến giá bất động sản, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở (CBRE Việt Nam) cho biết, giá bán trung bình ở một số dự án quanh tuyến Metro số 1 đã tăng 50-70%, cá biệt có dự án tăng 150% trong 8 năm (2015-2023).
Đơn cử, dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến vòng xoay giao với đại lộ Mai Chí Thọ là các dự án Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Lumière Riverside, Gateway Thảo Điền, Estella Heights… Đây đều là những dự án cao cấp với giá bán lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Trong khi tại thời điểm mở bán, mức giá căn hộ ở đây chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2.
“Nhiều dự án ăn theo tuyến đường này đã tăng giá rất nhanh và tương lai còn nhiều dự án khác đang được xây dựng. Thị trường căn hộ tại khu vực gần tuyến metro vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá, thu hút các đơn vị kinh doanh – thương mại đặt cửa hàng bán lẻ, cũng như tăng cường các dự án văn phòng phát triển song song”, ông Kiệt nói.
Một nghiên cứu của EfD (Mạng lưới các trung tâm phát triển môi trường) đã chỉ ra rằng, những khu vực xung quanh một ga tàu điện ngầm, trong bán kính 1-3 km thì giá trị nhà đất tăng 15%, trong bán kính xa hơn 3-5 km tăng gần 5%…
Thực tế, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến các căn shop thương mại dọc đường Song Hành, giáp khu Thảo Điền có dấu hiệu tăng lên từ khi tuyến metro số 1 chạy thử. Đây là cách các nhà đầu tư đón đầu cơ hội mua bất động sản sát metro thời điểm giá còn tốt.
Nhà đầu tư nên xác định chiến lược trung – dài hạn
Theo phân tích của các thành viên thị trường, trong thời gian tới, khi những tuyến đường vành đai, cao tốc tiếp tục phát triển thì cũng là lúc các đô thị ly tâm phát triển. Hiện nay, quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM không còn nhiều, chi phí đầu tư dự án mới cao, cơ hội tăng trưởng trong tương lai là của các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.
Xu hướng đầu tư “ăn theo” hạ tầng không phải mới, nhưng trong thời điểm hiện tại, đây chính là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, sự đột phá về hạ tầng chính là bệ phóng để tăng giá trị và tăng thanh khoản.
Phân tích kỹ hơn về yếu tố này, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time cho biết, sự phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam theo 3 nhu cầu, đó là ở thực, sử dụng ngôi nhà thứ hai và đầu tư.
Trước làn sóng tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là TP.HCM, một siêu đô thị với dân số đã vượt mức 13 triệu người, nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao, trong khi quỹ đất phát triển hạn chế, đã đẩy giá nhà đất tăng vọt, vượt ngoài khả năng của số đông. Do vậy, người làm việc tại TP.HCM hoàn toàn có thể ở tại Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí là Bình Phước… nhờ mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển, giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Đây là xu hướng đã và đang diễn ra ở các nước phát triển.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS cho rằng, hạ tầng luôn là yếu tố then chốt giúp thị trường bất động sản tăng trưởng. Các dự án sẽ được triển khai rất nhiều và thanh khoản luôn tốt khi xây dựng được mạng lưới hạ tầng giao thông có kết nối thuận lợi. Khi hạ tầng phát triển, thị trường sẽ được tiếp cận ở nhiều hướng khác nhau, khách hàng có nhiều cơ hội hơn, nhu cầu gia tăng và giá trị bất động sản cũng sẽ tăng theo.
“Có thể nói, hạ tầng phát triển tới đâu thì giá trị bất động sản sẽ tăng lên tới đó, nhưng khi lựa chọn đầu tư theo hướng đón đầu quy hoạch hạ tầng, nhà đầu tư cần xem xét kỹ pháp lý và rà soát lại quy hoạch của địa phương”, bà Cẩm Tú lưu ý.
Cũng theo bà Cẩm Tú, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư nên xác định chiến lược đầu tư trung – dài hạn, vì các dự án hạ tầng giao thông lớn thường có thời gian kéo dài, không phải khu vực nào nơi tuyến đường đi qua cũng có tiềm năng tăng giá.
Một yếu tố quan trọng khác không thể bỏ qua khi đầu tư bám theo hạ tầng, đó là cần tìm hiểu tiềm năng phát triển dân sinh của khu vực. Giá trị bất động sản chỉ tăng tại những khu vực, dự án được hình thành các khu đô thị, khu dân cư với đầy đủ các tiện ích dân sinh như chợ, bệnh viện, trường học, công viên…, chứ không hẳn cứ gần các đường giao thông hay metro thì sẽ được hưởng lợi.