Thuật Ngữ Về Đầu Tư, Mua Bán Bất Động Sản Cần Biết

Đầu tư bất động sản luôn là “sân chơi” hấp dẫn với những nhà đầu tư trường vốn, am tường thị trường, có tầm nhìn chiến lược và cả những người mới bắt đầu. Để làm chủ cuộc chơi, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, những người mới gia nhập thị trường cần nắm rõ các thuật ngữ bất động sản cơ bản.
Gia nhập vào bất cứ lĩnh vực kinh doanh, đầu tư nào, trước hết bạn cần phải nắm vững các thuật ngữ cơ bản nhất về ngành đó. Đầu tư bất động sản cũng không ngoại lệ. Việc thông hiểu các thuật ngữ sẽ góp phần giúp bạn chủ động hơn trong quá trình mua bán, thực hiện giao dịch.

1. Khái Niệm Bất Động Sản Và Đầu Tư Bất Động Sản

Trước khi tìm hiểu về các thuật ngữ khi đầu tư bất động sản, trước hết bạn cần nắm rõ khái niệm bất động sản và đầu tư bất động sản.

Bất Động Sản Là Gì?

Theo Điều 107, Bộ Luật Dân sự năm 2015, bất động sản được quy định như sau:

“1. Bất động sản bao gồm:

  • a) Đất đai;
  • b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  • c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
  • d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bất động sản là tài sản gồm đất, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và các tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng.

Đầu Tư Bất Động Sản Là Gì?

Đầu tư bất động sản hiểu một cách đơn giản là hình thức kinh doanh liên quan đến bất động sản gồm mua bán nhà đất, cho thuê nhà đất, xây dựng, quản lý, cải tạo các sản phẩm bất động sản. Nhà đầu tư cũng cần phân biệt rõ giữa đầu tư bất động sản và đầu cơ bất động sản. Đầu cơ là mua tài sản rồi bán lại với giá cao hơn trong một thời gian ngắn. Hình thức này thường xuất hiện khi thị trường địa ốc cung không đáp ứng đủ lực cầu. Theo đó, nhà đầu cơ sẽ mua một lượng lớn sản phẩm nhằm tạo ra sự khan hiếm, rồi đẩy giá bán lên cao hơn. Khi giá lên cao, họ sẽ bán tài sản thu lời.
Trong khi đó, với hình thức đầu tư, nhà đầu tư sẽ phân tích tiềm năng phát triển của các dự án nhà ở, chung cư, đất nền, biệt thự, liền kề trong tương lai. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường để đưa ra quyết định. Họ bỏ vốn phát triển các loại hình bất động sản để thu lợi nhuận lớn trong tương lai.

2. Thuật Ngữ Bất Động Sản Theo Luật Kinh Doanh Bất Động Sản

Các thuật ngữ bất động sản được quy định theo Luật Kinh doanh bất động sản có thể kể đến như:

Kinh Doanh Bất Động Sản

Kinh doanh bất động sản là việc nhà đầu tư bỏ một số vốn nhất định để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng để bán; cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc quản lý bất động sản với mục đích sinh lợi.

Kinh Doanh Dịch Vụ Bất Động Sản

Kinh doanh dịch vụ bất động sản là những hoạt động hỗ trợ kinh doanh địa ốc và thị trường bất động sản. Bao gồm dịch vụ định giá bất động sản, môi giới bất động sản, tư vấn bất động sản, quảng cáo bất động sản và quản lý bất động sản.

Sàn Giao Dịch Bất Động Sản

Sàn giao dịch bất động sản là nơi cung cấp các dịch vụ cho kinh doanh bất động sản, nơi diễn ra các giao dịch bất động sản. Người mua nhà và nhà đầu tư có thể tham khảo, tìm kiếm và thực hiện các giao dịch nhà đất mình mong muốn thông qua các sàn giao dịch bất động sản.

Đấu Giá Bất Động Sản

Đấu giá bất động sản là việc bán bất động sản, chuyển nhượng bất động sản công khai để chọn được người mua, người nhận chuyển nhượng bất động sản trả giá cao nhất theo thủ tục đấu giá tài sản hiện hành.

Mua Bán Nhà, Công Trình Xây Dựng Hình Thành Trong Tương Lai

Khái niệm này có thể hiểu đơn giản là việc mua bán nhà, công trình xây dựng mà tại thời điểm ký hợp đồng thì nhà, công trình đó chưa hình thành hoặc đang hình thành theo hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công.
Mua Bán, Chuyển Nhượng Bất Động Sản Trả Chậm, Trả Dần
Mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần là việc bên mua, bên nhận chuyển nhượng được trả chậm, trả dần tiền mua, tiền chuyển nhượng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.

3. Thuật Ngữ Bất Động Sản Liên Quan Đến Pháp Lý

Các thuật ngữ cần biết khi đầu tư bất động sản liên quan tới pháp lý, giấy tờ gồm:

Sổ Đỏ

Sổ đỏ là thuật ngữ thông dụng dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp cho hộ gia đình, cá nhân. Các loại đất được cấp sổ đỏ gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm nhà ở thuộc nông thôn do UBND huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh cấp cho người sử dụng.

Sổ Hồng

Sổ hồng có tên pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Có 2 loại sổ hồng, một loại là sổ cũ do Bộ Xây dựng cấp trước ngày 10/12/2009, một loại sổ hồng mới do Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành.
Phân biệt sổ hồng và sổ đỏ:
Tiêu chí Sổ đỏ Sổ hồng
Khái niệm Sổ đỏ còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất. Các loại đất được cấp sổ đỏ gồm đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, đất làm nhà ở… Sổ hồng còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp cho chủ sở hữu tại nội thành, nội thị xã, thị trấn.
Cơ quan ban hành Sổ đỏ được Bộ TN&MT ban hành trước ngày 10/12/2009, được gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ hồng được Bộ Xây dựng ban hành trước ngày 10/8/2005. Sau đó đổi thành Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, được cấp từ ngày 10/8/2005 đến trước ngày 10/12/2009.
Đặc điểm Sổ đỏ có bìa ngoài màu đỏ tươi. Tại trang đầu tiên ghi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Sổ hồng có bìa màu hồng nhạt, trang đầu tiên ghi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Đối tượng được cấp Người sở hữu nhà ở. Người sử hữu nhà ở, sở hữu căn hộ.
Nội dung Sổ đỏ thể hiện tên người sử dụng đất; thửa đất được quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất. Sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở.

Sổ Trắng

Thuật ngữ này không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Đây là cách gọi của người dân về các loại giấy tờ nhà đất dựa trên màu sắc. Sổ trắng dùng để chỉ một số giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18, Nghị định 43/2014/NĐ-CP gồm văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, trao đổi nhà ở, thừa kế nhà ở gắn liền với đất có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; bằng khoán điền thổ; văn tự đoạn mãi bất động sản (nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
Hiện tại, sổ trắng vẫn có giá trị pháp lý về việc chứng minh quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận. Thế nhưng, sổ trắng lại không có giá trị giao dịch. Nghị định 84/2008/NĐ-CP quy định, kể từ ngày 01/01/2008, khi giao dịch, các loại giấy trắng phải đổi sang sổ hồng.

Sổ Xanh

Luật Đất đai hiện hành không có quy định cụ thể về sổ xanh. Đây là cách gọi của người dân dựa vào màu sắc của Giấy chứng nhận. Sổ xanh là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Lâm trường cấp để quản lý, khai thác, trồng rừng dưới hình thức cho thuê. Hiểu một cách đơn giản thì sổ xanh là giấy xác nhận cho thuê đất lâu dài của lâm trường. Khi hết hạn, đất đó sẽ bị lâm trường thu hồi nếu địa phương chưa có chính sách giao đất cho người dân.
Theo phân tích trên thì đất sổ xanh là đất do Lâm trường quản lý, cho thuê sử dụng vào mục đích trồng rừng. Đất sổ xanh vì thế thuộc nhóm đất nông nghiệp theo phân loại đất đai mới nhất.

Vi Bằng Nhà Đất

Vi bằng nhà đất là thuật ngữ cơ bản mà nhà đầu tư bất động sản cần nắm rõ. Theo Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập là chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, đồng thời là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo luật định.

Vi bằng không xác thực nội dung thỏa thuận, cũng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Thay vào đó, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ để các bên bảo vệ mình nếu tranh chấp xảy ra hoặc là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Thực tế cho thấy, tòa án khi xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng có thể triệu tập thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng nếu cần thiết.
Vi bằng nhà đất là gì? Đây là văn bản ghi nhận hoạt động giao giấy tờ hoặc giao tiền giữa bên mua và bên bán với nhau. Lưu ý, vi bằng không chứng nhận việc mua bán, chuyển nhượng mà chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ. Sử dụng vi bằng để mua bán nhà đất thực chất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý, nếu xảy ra tranh chấp có thể bị tuyên vô hiệu.
Mua nhà đất qua vi bằng sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người mua phải có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, chứng thực theo đúng luật định mới được xem xét cấp sổ hồng, sổ đỏ.

Giấy Cọc

Khoản 1, Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (tức bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Căn cứ theo quy định nêu trên, ta có thể hiểu đặt cọc nhà đất là việc bên mua chuyển cho bên bên bán tài sản đặt cọc một khoản tiền nhất định để bảo đảm việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán bất động sản.

4. Thuật Ngữ Về Các Loại Hình Đầu Tư Bất Động Sản

Tham gia vào thị trường bất động sản, nhà đầu tư cần nắm rõ các thuật ngữ về loại hình bất động sản, từ đó lựa chọn được tài sản đầu tư phù hợp nhất.

Đất Nền

Đất nền là gì? Đất nền là đất trống, chưa có các công trình xây dựng trên đất. Loại đất này thuộc quyền sử dụng, sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức. Đất nền được chia làm 3 loại sau:
– Đất thổ cư: Là đất ở, được cấp phép để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người. Loại đất này có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng.
– Đất nền dự án: Là loại đất được phân lô theo dự án của chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương. Đất nền dự án chưa có sự tác động của con người. Thông thường, đất nền dự án sở hữu vị trí thuận lợi, gần đường lớn, giao thông thuận tiện, diện tích rộng phù hợp xây khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch.
– Đất liền kề: Là những mảnh đất nằm gần nhau theo một kết cấu nhất định, có diện tích giống và cùng thuộc khu vực thi công dự án đô thị. Loại đất này được chuyển đổi hợp pháp về mục đích sử dụng. Chẳng hạn như đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, được cấp phép xây nhà ở.

Nhà Phố

Nhà phố hay nhà mặt phố là những ngôi nhà được xây dựng ở vị trí mặt tiền đường, có thể kết hợp cả chức năng ở và kinh doanh buôn bán. Nhà phố có các loại cơ bản sau:

Nhà Phố Liền Kề

Nhà phố liền kề là những ngôi nhà phố có thiết kế, kiến trúc giống nhau, được xây dựng liền kề nhau theo thiết kế, quy hoạch tổng thể của chủ đầu tư.
Nhà phố thương mại là mô hình tích hợp giữa cửa hàng kinh doanh và căn hộ để ở. Đây là loại hình đầu tư bất động sản phổ biến ở các nước phát triển và hiện khá được ưa chuộng tại Việt Nam. Shophouse ra đời từ thế kỷ XIX, phân bố ở các đảo thuộc Caribbean, khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc,… Vào khoảng cuối triều Nguyễn, Shophouse du nhập vào Việt Nam tại Huế và Hội An. Hiện tại, Shophouse gồm 2 loại chính là Shophouse nhà phố thương mại thấp tầng và Shophouse khối đế.
Shophouse nhà phố thương mại thấp tầng được xây dựng ở các khu vực thương mại, trục phố lớn theo quy hoạch. Loại hình này được cấp quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài theo Luật Đất đai. Nhà phố thương mại thấp tầng có diện tích lớn, khoảng từ 85 – 250m2, thiết kế 4-5 tầng, 2 tầng dưới dùng để kinh doanh, các tầng còn lại là không gian sinh hoạt của gia đình.​
Shophouse khối đế được bố trị tại tầng đế của các tòa chung cư, thông thường thiết kế từ tầng 1 đến tầng 5. Thời gian sử dụng thường là 50 năm. Shophouse mang lại nhiều lợi ích cho cả chủ sở hữu và nhà đầu tư bất động sản.

Nhà Phố Sân Vườn

Nhà phố sân vườn là loại nhà phố có diện tích lớn, có sân vườn trồng cây xanh tạo không gian sống thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Nhà phố sân vườn có thể có sân vườn riêng bên ngoài nhà hoặc gia chủ tận dụng các khoảng không gian trống như giếng trời, sân thượng để thiết kế sân vườn, tiểu cảnh.

Nhà Phố Xanh

Nhà phố xanh là một trong những loại nhà ở thân thiện với môi trường. Nhà phố xanh được xây dựng từ các vật liệu, chất liệu gần gũi, với độ bền cao, kinh phí hợp lý. Thiết kế nhà có nhiều cửa sổ lớn đón sáng tự nhiên, mang lại không gian sống thoáng đãng. Bên trong nhà phố xanh bài trí nhiều cây xanh.

Biệt Thự

Thông tư số 38/2009/TT-BXD của Bộ Xây Dựng nêu rõ: “Biệt thự là nhà ở riêng biệt có sân vườn, hàng rào và lối ra vào riêng biệt, số tầng chính không quá 3 tầng (không kể tầng mái che cầu thang, tầng mái và tầng hầm), bao gồm ít nhất 3 mặt trông ra sân hoặc vườn, có diện tích không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất”.


Các loại hình biệt thự phổ biến:

Biệt Thự Đơn Lập

Biệt thự đơn lập (detached villa) là lối kiến trúc nhà ở độc lập với 4 mặt thông thoáng, có sân vườn rộng rãi bao quanh. Công trình được xây dựng trên một lô đất rộng rãi, có tường rào bao quanh, giữa tường rào và biệt thự là lối đi thuận tiện. Biệt thự đơn lập có chiều rộng mặt tiền khoảng 8-10m.

Biệt Thự Song Lập

Biệt thự song lập (twin villa) là những căn biệt thự có 3 mặt thoáng, tiếp giáp sân vườn và 1 mặt tường chung với biệt thự bên cạnh. Hai căn biệt thự được xây dựng trên cùng một mảnh đất với thiết kế ngoại thất giống nhau, tuy nhiên không gian nội thất khác nhau và có lối đi riêng. Nhìn từ bên ngoài, có thể bạn sẽ khó phân biệt được 2 căn nhà này bởi thiết kế của chúng tạo ra sự thống nhất về mặt kiến trúc.:

Biệt Thự Liền Kề

Biệt thự liền kề (semi-detached villa) là những căn biệt thự được xây dựng liền kề nhau với thiết kế kiến trúc, cảnh quan xung quanh giống nhau. Biệt thự liền kề có 2 mặt thoáng phía trước và phía sau ngôi nhà hoặc hai khoảng sân vườn trước, sau ngôi nhà. Trong khi đó, hai mặt còn lại của biệt thự nằm sát vách với biệt thự bên cạnh.
Trong một số trường hợp, do quỹ đất hạn chế, biệt thự liền kề có thể chỉ có một mặt thoáng duy nhất, song vẫn đảm bảo không gian sống thoáng đãng, sân vườn đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn biệt thự.

Biệt Thự Nghỉ Dưỡng

Biệt thự nghỉ dưỡng (Resort Villa) được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn cao cấp, hạng sang tích hợp đầy đủ các tiện ích hiện đại, đẳng cấp nhằm đáp ứng mọi nhu cầu thư giãn, nghỉ dưỡng. Thực tế cho thấy, biệt thự nghỉ dưỡng thường có thiết kế sang trọng, độc đáo, là không gian nghỉ ngơi của giới thượng lưu. Các dự án biệt thự nghỉ dưỡng tại Việt Nam chủ yếu được xây dựng gần khu vực sông núi, ven biển, nơi có không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.​

Biệt Thự Biển

Biệt thự biển thuộc phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thường có diện tích rộng rãi, quy mô lớn, được thiết kế theo phong cách hiện đại sang trọng hoặc phong cách Tân cổ điển, Luxyry, Hoàng gia… Được xây dựng tại các bờ biển đẹp, nổi tiếng có tiềm năng phát triển du lịch, biệt thự biển mang đến không gian nghỉ dưỡng độc đáo, cao cấp và gần gũi với thiên nhiên.
Với hệ sinh thái đẳng cấp, tầm nhìn đắt giá và không gian lãng mạn, biệt thự biển là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho giới thượng lưu.

Condotel

Condotel là cụm từ viết tắt của condominium (căn hộ) và hotel (khách sạn). Theo đó, Condotel có nghĩa là căn hộ khách sạn. Đây là những căn hộ cao cấp, tích hợp đủ mọi chức năng, tiện ích như một căn hộ ở thông thường và khách sạn. Căn hộ condotel được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn khách sạn cho thuê. Loại hình căn hộ này thuộc các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn với khả năng sinh lời cao.

Hometel

Thuật ngữ Hometel được kết hợp từ hai từ home (nhà ở) và hotel (khách sạn). Theo đó, Homtel là căn hộ kết hợp khách sạn, vừa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày, vừa thừa hưởng các dịch vụ tiện ích như khach sạn 5 sao. Hometel được cấp Giấy chứng nhận, thời hạn sở hữu lâu dài, chủ sở hữu toàn quyền sử dụng căn hộ vào mục đích ở hoặc đầu tư cho thuê thu lợi nhuận.
Điểm giống nhau giữa Condotel và Hometel là đều được quy hoạch, thiết kế như một khách sạn nghỉ dưỡng thông thường, được cung cấp đầy đủ các dịch vụ tiện ích và hỗ trợ vận hành bởi đơn vị quản lý của dự án. Hai loại hình đầu tư bất động sản này đều có thể được sử dụng vào mục đích ở và cho thuê.
Điểm khác là về giấy tờ pháp lý, Hometel được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài, trong khi Condotel chỉ được cấp giấy chứng nhận sở hữu tạm thời, thường thời hạn sử dụng trong vòng 50 năm. Chủ sở hữu Condotel phải chia lợi nhuận cho thuê với đơn vị quản lý, vận hành. Chủ sở hữu Hometel được hưởng toàn bộ lợi nhuận.

Officetel

Thuật ngữ bất động sản Officetel (Office + Hotel) là loại hình kết hợp giữa văn phòng (Office) và khách sạn (Hotel). Officetel đáp ứng tốt cả nhu cầu làm việc và lưu trú qua đêm. Hiện nay, Officetel là không gian văn phòng làm việc, nơi ở lý tưởng cho các chuyên gia nước ngoài, doanh nhân trẻ sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Căn Hộ – Loại Hình Đầu Tư Bất Động Sản Được Ưa Chuộng

Căn hộ chung cư (condominium) – một loại hình nhà ở với đầy đủ các phòng chức năng giống như một ngôi nhà thông thường, gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, phòng vệ sinh. Căn hộ thuộc các tòa nhà, chung cư cao tầng với mỗi tầng có ít nhất từ 2 căn hộ trở lên. Hầu hết các dự án căn hộ đều tọa lạc ở các thành phố, đô thị lớn, nơi có hạ tầng, giao thông phát triển, hoàn thiện.


Các loại hình căn hộ phổ biến hiện nay, gồm:
– Căn hộ thông thường: Đây là loại hình căn hộ phổ biến nhất, thuộc nhiều phân khúc khác nhau, từ bình dân, trung cấp, đến cao cấp, hạng sang tương ứng với nhiều mức giá khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua nhà. Nhà đầu tư bất động sản với dòng tiền nhàn rỗi có thể đầu tư cho thuê nhà, thu lợi nhuận ổn định hàng tháng.
– Căn hộ Studio: Căn hộ Studio là căn hộ nhỏ, các không gian chức năng như phòng khách, bếp, phòng ngủ được thiết kế liên thông, hạn chế tối đa vách ngăn phòng nhằm tối ưu diện tích sử dụng. Với thiết kế độc đáo và mức giá phải chăng, căn hộ Studio luôn có sức hút nhất định với người mua nhà lẫn giới đầu tư bất động sản. Loại hình căn hộ này phù hợp với người trẻ độc thân, sinh viên, vợ chồng mới cưới ưa chuộng lối sống tối giản mà tiện nghi.
– Căn hộ chung cư mini: Chung cư mini thường do các cá nhân, hộ gia đình xây dựng, có ít nhất 2 tầng, mỗi tầng có ít nhất 2 căn hộ. Trong đó, mỗi căn hộ rộng khoảng 30-45m2, thiết kế kiểu khép kín, gồm đầy đủ các phòng chức năng thiết yếu như phòng ngủ, bếp + khách, phòng vệ sinh. Giá bán và cho thuê căn hộ chung cư mini thường thấp hơn so với các loại hình chung cư khác, là lựa chọn phù hợp cho sinh viên, gia đình trẻ, người độc thân, người thu nhập thấp.
– Penthouse: Penthouse là gì? Đó là những căn hộ tọa lạc tại tầng cao nhất của tòa nhà, được thiết kế theo phong cách sang trọng, sở hữu tầm nhìn đắt giá, nội thất cao cấp, hạn chế vách ngăn phòng. Căn hộ Penthouse có thể được thiết kế thông tầng hoặc không. Penthouse là không gian sống của giới thượng lưu với tiêu chuẩn cao, khẳng định vị thế bản thân.

– Duplex: Duplex là gì? Đó là những căn hộ thông tầng được xây dựng trên tầng cao của các tòa nhà lớn. Thiết kế căn hộ Duplex gồm 2 tầng trở lên, cầu thang nằm bên trong, sử dụng nội thất cao cấp. Tại các khách sạn hạng sang, Duplex được thiết kế dành riêng cho giới thượng lưu. Sự khác nhau giữa Penthouse và Duplex: Penthouse mặc định nằm trên tâng cao nhất, tầng trên cùng của tòa nhà, còn Duplex có thể nằm xen kẽ với các tầng. Penthouse có thể thiết kế thông tầng hoặc không, còn Duplex phải có ít nhất 2 tầng.
– Căn hộ Dual-Key: Dual-Key là căn hộ có 2 chìa khóa, 2 lối đi riêng biệt, mỗi lối đi dẫn đến một phòng có cấu trúc giống như một căn hộ riêng biệt với đầy đủ các không gian chức năng như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ và phòng vệ sinh. Thông thường, căn hộ Dual-Key gồm 1 căn 2 phòng ngủ và 1 căn Studio. Như vậy, Dual-Key là căn hộ kép, gồm 2 căn nhưng diện tích trong cùng một mặt sàn. Loại hình căn hộ này phù hợp với gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, đảm bảo tính riêng tư thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày.

Thuật Ngữ Về Thị Trường Đầu Tư, Kinh Doanh Bất Động Sản

Tham gia vào thị trường đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thuật ngữ phổ biến liên quan tình hình thị trường dưới đây.

Thị Trường Bất Động Sản Sơ Cấp

Thị trường bất động sản sơ cấp hay còn gọi là thị trường cấp 1, thị trường gốc. Thị trường sơ cấp, nơi các sản phẩm bất động sản được bán ra lần đầu tiên. Ví dụ, chủ đầu tư mở bán dự án căn hộ chung cư sau khi vừa hoàn tất xây dựng phần móng. Khi đó, căn hộ chung cư là sản phẩm bất động sản sơ cấp được bán bởi chủ đầu tư.
Thị trường sơ cấp là nơi diễn ra các giao dịch giữa chủ đầu tư bất động sản với các nhà phân phối, chủ đầu tư với người dùng cuối. Trên thị trường sơ cấp, sản phẩm bất động sản thường sẽ được bán với giá gốc từ chủ đầu tư.

Thị Trường Bất Động Sản Thứ Cấp

Tại thị trường bất động sản thứ cấp, chủ đầu tư không còn xuất hiện trong các giao dịch mua bán nhà đất. Tất cả các sản phẩm tham gia vào thị trường thứ cấp đều đã trải qua giao dịch mua đi bán lại trước đó. Đồng thời, giá bán trên thị trường thứ cấp luôn cao hơn thị trường sơ cấp, neo theo mặt bằng giá của thị trường.

Đầu Tư Lướt Sóng

Thuật ngữ đầu tư lướt sóng trong bất động sản là hình thức đầu tư ngắn hạn nhằm thu lời nhanh chóng thông qua việc tận dụng biến động lên xuống của giá cả thị trường trong một thời gian ngắn. Đây là hình thức thu hồi vốn nhanh, thu lợi nhuận nhanh, tuy nhiên nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro. Yêu cần cần phải am hiểu thị trường sâu sắc, nhanh nhạy trước các tín hiệu của thị trường để đưa ra quyết định mua, bán phù hợp. Nếu không, nhà đầu tư có thể không bán được sản phẩm hoặc phải bán cắt lỗ khi thị trường chững lại.

Thổi Giá

Thuật ngữ thổi giá dùng để chỉ việc thao túng và đẩy giá bất động sản cao lên so với giá trị thực hòng thu lợi nhuận. Đây thường là chiêu trò của môi giới, giới đầu cơ nhà đất nhằm mục đích khiến người mua chấp nhận mua bất động sản với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.

Sốt Đất

Đây là một trong những thuật ngữ phổ biến mà bạn không thể không biết khi đầu tư bất động sản. Sốt đất là tình trạng giá đất tại một khu vực, vị trí nào đó tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, khiến việc mua bán, giao dịch trở nên vô cùng sôi động. Thực tế cho thấy, những thông tin tích cực về hạ tầng, quy hoạch, giao thông thường mang lại kỳ vọng giá nhà đất sẽ tăng cao trong tương lai. Sốt đất theo từng khu vực thường khởi nguồn từ đó.

Sốt Đất Ảo

Sốt đất ảo là thuật ngữ dùng để chỉ sự tăng giá đất đột biến trên diện rộng chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất không có thực. Thị trường lúc đó chủ yếu là người mua đất để đầu cơ, thổi giá, chờ lên giá sẽ chuyển nhượng thu lời chứ không nhằm mục đích sử dụng đất để xây nhà ở hay xây dựng kinh doanh. Giới đầu cơ nhà đất thường vin vào các thông tin quy hoạch, hạ tầng chưa rõ ràng để đẩy giá đất lên cao, tăng tính thanh khoản để kiếm lợi nhuận.
Những môi giới bất động sản không chuyên sử dụng các chiêu trò tạo sóng nhằm đánh vào tâm lý các nhà đầu tư kỳ vọng đạt tỷ suất lợi nhuận cao, chốt lời nhanh chóng. Sốt đất ảo thường theo kịch bản là giá liên tục tăng, vòng tròn mua bán gia tăng theo từng lớp. Khi đầu nậu rời đi, còn lại người mua cuối cùng chịu thua lỗ, không thoát được hàng, chôn vốn, thậm chí trắng tay.

Bong Bóng Bất Động Sản

Thuật ngữ bong bóng bất động sản dùng để chỉ sự tăng giá cao gấp nhiều lần, vượt xa giá trị thật của tài sản. Bong bóng bất động sản xuất hiện khi nhu cầu bỗng nhiên tăng cao khiến giá nhà đất gia tăng đột biến. Khi thị trường rơi vào tình trạng bong bóng, nhiều nhà đầu tư không đủ tỉnh táo, cứ rót vốn mua vào chờ giá cao hơn bán thu lời lớn. Thế nhưng, khi bong bóng vỡ, mọi khoản đầu tư sẽ “đóng băng”, chôn vốn lâu dài.
Trên đây là những thuật ngữ bất động sản cơ bản mà nhà đầu tư cần nắm rõ khi tham gia vào thị trường này. Bất động sản là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiểu rõ các thuật ngữ trong bất động sản góp phần giúp bạn tự tin hơn, chủ động hơn khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất.
Loại đất Ký hiệu

  • Đất chuyên trồng lúa nước LUC
  • Đất trồng cây hàng năm khác HNK
  • Đất trồng cây lâu năm khác LNK
  • Đất nuôi trồng thủy sản NTS
  • Đất thương mại, dịch vụ TMD
  • Đất trồng cây hàng năm BHK
  • Đất sinh hoạt cộng đồng DSH
  • Đất khu công nghiệp SKK
  • Đất thủy lợi DTL
  • Đất trồng cây công nghiệp lâu năm LNC
  • Đất rừng sản xuất RSX
  • Đất ở nông thôn ONT
  • Đất ở đô thị ODT
  • Đất giao thông DGT
  • Đất xây dựng trụ sở cơ quan TSC