Khonhasaigon – Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố các chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Điều này cho thấy sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Các gói vay vốn ưu đãi lãi suất thấp được tung ra bởi các ngân hàng không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp mà còn cả cho cá nhân. Đây là một cơ hội tốt để các khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó có thể đầu tư và phát triển kinh doanh một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đã giảm mạnh lãi suất cho vay khách hàng, giúp giảm gánh nặng chi phí lãi suất đối với khách hàng và giúp kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian khó khăn này.
Tại NamABank , nhà băng này vừa triển khai giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu đến 2,6%/năm. Theo NamABank, hoạt động này nhằm đồng hành khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ khách hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm cũng như thực hiện kịp thời các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. NamABank cho biết, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp và người dân tăng tốc cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng. Dự kiến, ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các chương trình ưu đãi trong thời gian tới.
OCB cũng cho biết, từ tháng 8 đã chính thức triển khai nhiều gói vay ưu đãi với quy mô lên đến 5.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cùng đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe…Trong đó, với các khoản vay mua nhà, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm. Lãi suất vay mua ô tô từ 9,5%/năm. Trước đó, OCB cũng đã tung 2 gói lãi suất ưu đãi dành cho hách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng với mức giảm 1,8% bình quân kỳ hạn 12 tháng.
Một ngân hàng lớn cũng vừa tung gói cho vay lãi suất thấp là VPBank . Cụ thể, nhà băng này đã ra mắt ba gói vay ưu đãi có tổng quy mô 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, vay tiêu dùng với lãi suất từ 5%/năm, tỷ lệ cho vay tối đa 85%, thời gian vay tối đa đến 35 năm. Trong đó, gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh của VPBank được thiết kế với lãi suất 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Gói ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay mua nhà của VPBank có lãi suất từ 5,9%/năm. Riêng với gói vay mua xe ô tô, VPBank hiện áp dụng lãi suất 7%/năm.
Trong khi đó, các “ông lớn” quốc doanh như BIDV, VietinBank, Vietcombank vừa qua đã đua nhau tung chương trình cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ ở ngân hàng khác với lãi suất thấp bất ngờ. Với VietinBank , lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng).
BIDV thì cho biết khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể vay tại BIDV. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.
Vietcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.
Các ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank, MB, ACB cũng tham gia cuộc đua. Theo đó, tại Techcombank , khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm. MB cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác với lãi suất năm đầu là 8%/năm.
Động thái giảm lãi suất cho vay cũng như các chương trình hút khách vay của ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 8 tháng đầu năm vẫn còn thấp. Được biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, mới chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%), và còn cách xa so với mục tiêu 14% cả năm.
Lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, hiện không còn ngân hàng thương mại nào niêm yết lãi suất trên 8%/năm và phần lớn các ngân hàng niêm yết dưới 7%/năm. Thậm chí nhóm Big 4 và các ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh xuống dưới 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Giới chuyên gia nhận định, việc lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.