Lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm sau khi các mức lãi suất điều hành của NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày mai 25/5.
Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số chỉ tiêu lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 – 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Sau quyết định của NHNN, dù các mức lãi suất điều hành mới chưa có hiệu lực song một số ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động từ hôm nay (24/5).
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của VietBank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn trên 6 tháng đồng loạt giảm 0,2 – 0,3 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ.
Đây cũng là lần thứ hai VietBank giảm lãi suất huy động trong chưa đầy 1 tuần qua. Trước đó, ngân hàng này cũng đã giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên bắt đầu từ ngày 20/5.
VIB cũng giảm 0,2 – 0,3 điểm tại các kỳ hạn trên 6 tháng. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng đã giảm về 8,2%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, kể từ đầu tuần đến nay, một loạt ngân hàng cũng đã thông báo giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, từ ngày 23/5, Ngân hàng Đông Á đồng loạt giảm 0,3 – 0,55 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Từ ngày 22/5, ACB giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; đưa mức cao nhất mà ngân hàng này áp dụng về còn 7,5%/năm.
VietABank cũng giảm 0,2 – 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này áp dụng đã giảm về còn 8,5%, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
OCB giảm 0,1 điểm % tại kỳ hạn 6 – 15 tháng từ ngày 22/5. Trong khi TPBank giảm 0,1 – 0,3 điểm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Từ ngày 22/5, Saigonbank giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, ngoại trừ kỳ hạn 13 tháng.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong sáng ngày 24/5 cho thấy, mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được ghi nhận tại ABBank. Ngoài ABBank, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất trên 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đáng chú ý, khoảng 2/3 các ngân hàng được khảo sát (21/34 ngân hàng) đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm. Trước đó, trong giai đoạn cao điểm hồi giữa tháng 1, ngoại trừ nhóm Big4, hầu hết ngân hàng tư nhân đều niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí xấp xỉ 10% tại một số ngân hàng tư nhân nhỏ.
Như vậy, trong khoảng 4 tháng vừa qua, lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng đã giảm 1 – 2 điểm %.
Từ ngày mai (25/5), các mức lãi suất điều hành của NHNN sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng đều sẽ phải giảm lãi suất tối đa áp dụng cho các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 5,0%/năm.
Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Trước đó, tại các đợt giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn.