Thị trường bất động sản hiện nay được nhận định là đã qua giai đoạn khó khăn nhất và dự kiến sẽ có bước phục hồi trong nửa đầu 2024.
Mục lục
Thị trường bất động sản đã thực sự bước qua vùng đáy
Số liệu mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, thị trường bất động sản hiện nay đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo HeoREA, quý 1/2023 là “vùng đáy” của thị trường bất động sản. Tuy về tổng thể, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Động thái này thể hiện rất rõ nét tại thị trường BĐS TP.HCM, quý 1/2023 tăng trưởng -16,2%; đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý 1/2023; đến cuối quý 3/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 09 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý 1/2023. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản hiện nay đã ở giai đoạn tích cực hơn, bước qua vùng đáy.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022) gồm 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%). Trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước) phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản sẽ có triển vọng phục hồi nửa cuối năm 2024
Dù thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng có căn cứ để tin rằng triển vọng phục hồi và tăng trưởng của nó sẽ tiếp tục theo hướng phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các biện pháp can thiệp và hỗ trợ của Chính phủ đang phát huy tác động tích cực đến đà hồi phục của thị trường. Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ đạo hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý – vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, việc tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản cũng là một yếu tố quan trọng, nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn với đất đai, thị trường vốn và tín dụng. Hơn nữa, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong việc đầu tư, sản xuất và kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.
Theo ông các yếu tố tác động chính đến thị trường bất động sản hiện nay như tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, năm 2024-2025 sẽ tốt đẹp hơn. Lạm phát và lãi suất không còn tăng và dự báo giảm dần từ quý 3/2024. Tính đến tháng 8 năm nay, lạm phát đã duy trì được ở mức 4,57%.
Về lãi suất, tính đến nay lãi suất đang hạ nhiệt và đã trở về giai đoạn trước dịch. Vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi. Quy hoạch các cấp đang hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác như nhu cầu nhà ở thực tế của xã hội vẫn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nhà ở giá phải chăng và nhà ở xã hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp. Sự phát triển nhanh chóng và ổn định của tầng lớp trung lưu cũng đang tạo động lực cho nhu cầu mua bán nhà đất ở nhiều phân khúc.