Mới đạt hơn 35% kế hoạch vốn đầu tư công, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi nói cần “60 ngày đêm” chạy nước rút để hoàn tất mục tiêu giải ngân 95% vốn giao.
Báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội chiều 30/10, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM cho biết đến ngày 19/10, thành phố đã giải ngân gần 24.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 35,3% so với kế hoạch năm nay. Theo Giám đốc Sở Lê Thị Huỳnh Mai, kết quả này đứng thứ 3 trên 114 tỉnh, thành, bộ, ngành về con số tuyệt đối nhưng vẫn còn xa so với kế hoạch đề ra.
Năm nay, vốn đầu tư công trung ương giao cho TP HCM là trên 70.000 tỷ đồng, gần bằng 10% cả nước. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân được 95% con số này. Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM nói so với năm trước, giải ngân đầu tư công có tiến bộ, khi cùng kỳ chỉ đạt 29% kế hoạch.
Cơ quan này tính toán để đạt mức không thấp hơn 80% và cao nhất 95%, bình quân hàng tháng còn lại của năm, thành phố phải giải ngân được 22-30%. “Đây là áp lực cực kỳ lớn”, ông Hoàng nhận xét.
Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá đầu tư công còn chậm và kết quả thấp. Tuy nhiên, thành phố giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn giao. Do vậy, đây là nhiệm vụ tập trung trong 2 tháng cuối năm.
“Tôi đề nghị các chủ đầu tư quán triệt, tổ chức rà soát, phân công lực lượng để thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công”, ông Mãi nói. Theo ông, đây không phải phong trào mà là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và giao việc để làm.
Đến nay, TP HCM có 479 dự án giải ngân trên 95% nhưng không lớn, chỉ hơn 1.100 tỷ đồng; cùng 320 dự án đã giải ngân trên 100%. “Với các dự án còn lại, nếu chủ đầu tư và dự án có khó khăn khách quan, lý do chính đáng thì quyết tâm giải ngân không dưới 80%”, ông Mãi giao chỉ tiêu.
Người đứng đầu UBND thành phố cho biết còn 19 đơn vị chưa gửi cam kết tiến độ giải ngân các dự án. “Chiều nay, đơn vị nào không gửi thì lập danh sách xác định rõ nguyên nhân, tiến hành xem xét, đề xuất xử lý kỷ luật nếu cố tình hay lý do chủ quan, không phê bình nữa”, ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch TP HCM, có tình trạng ban bồi thường giải phóng mặt bằng một số địa phương chưa làm hết sức, tối đa có thể làm được 10 thì đăng ký chỉ tiêu thực hiện chỉ 6-7. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư và Văn phòng Ủy ban đề xuất kế hoạch điều hòa vốn, tức chuyển vốn đầu tư công nội bộ nhằm tối đa hóa khả năng giải ngân. Trong tuần này, hai đơn vị trên phải xác định được địa chỉ giải ngân cho khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương thức này.
Đánh giá tình hình kinh tế TP HCM nói chung, ông Phan Văn Mãi cho rằng có tăng trưởng và cải thiện dần. Các chỉ số như sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tuy không cao nhưng tốt lên qua các tháng. Kể cả xuất nhập khẩu vốn là khó khăn hàng đầu cũng ghi nhận đà suy giảm chậm lại.
Báo cáo của Cục Thống kê TP HCM cho hay chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất các tháng đầu năm đến nay. Tính chung 10 tháng, IIP tăng 3,7%. Đáng lưu ý chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp 10 tháng tăng 1,5% so với cùng kỳ 2022. “Đây là dấu hiệu của chu kỳ sản xuất đi xuống dần kết thúc, khởi đầu cho mùa cuối năm tích cực hơn”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận.
Tiêu dùng nội địa vẫn là điểm sáng cứu kinh tế khi công nghiệp còn khó. Doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 15% so với cùng kỳ 2022, cao nhất đầu năm đến giờ. Tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tháng 10 tương đương với rút lui, tức tỷ lệ 5-5. Vào hai tháng đầu năm, cứ 10 gia nhập mới thì 11 rút lui.
Dù có cải thiện nhưng kinh tế TP HCM còn nhiều thách thức như xuất khẩu, thu hút FDI 10 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ 2022. Doanh nghiệp thành lập mới tăng về lượng nhưng thấp hơn về vốn đăng ký. Tăng trưởng tín dụng cũng yếu. “Sức khỏe nền kinh tế cần chăm sóc và bồi dưỡng”, ông Mãi nhận xét.
Bên cạnh “60 ngày đêm” giải ngân đầu tư công, TP HCM sẽ tiếp tục kích cầu cho trụ cột dịch vụ trong hai tháng cuối năm. Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM đề xuất thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung trong giai đoạn 15/11/-15/12.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết đang khẩn trương hình thành, ra mắt các liên minh kích cầu du lịch. Thành phố sẽ triển khai tuần lễ du lịch cuối năm, với mỗi quận, huyện giới thiệu một sản phẩm điểm đến tiêu biểu. “Chúng tôi kỳ vọng những tháng cuối 2023 và đầu 2024 thị trường khách quốc tế phục hồi xấp xỉ trước dịch”, bà Hoa nói.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, nếu 2 tháng cuối năm có sự phối hợp tốt giữa các ngành du lịch, công thương, văn hóa và khai thác triệt để liên kết vùng sẽ là cơ hội kích cầu du lịch và mua sắm rất tốt.