I- Kiểm tra sổ hồng và giấy tờ gốc
Trước khi mua bán nhà đất, người mua cần kiểm tra sổ đỏ (hiện nay là sổ hồng), giấy tờ gốc như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu người bán đã lập gia đình) của bên bán là thật hay giả. Hiện, thủ đoạn làm giả giấy tờ rất tinh vi, cần có kiến thức và thiết bị giám định chuyên nghiệp có khi mới phát hiện được. Vì vậy, bạn nên nhờ các công chứng viên kiểm tra. Tuy không thể chính xác 100% nhưng với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của họ thì bạn có thể yên tâm phần nào.
Không những thế, người mua nên đến tận nơi kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà trên thực tế với thông tin trên sổ hồng xem có khớp hay không, kiểm tra và so sánh một cách tương đối sơ đồ bản vẽ và thửa đất trên thực tế. Người mua cần học cách xem sơ đồ thửa đất và bảng kê tọa độ gốc trên sổ hồng để xác định vị trí. Nếu không, bạn cần hỏi cán bộ địa chính phường/xã để biết tình trạng pháp lý nhà đất một cách chính xác.
II- TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ ĐẤT QUY HOẠCH
Bạn cần tìm hiểu xem bất động sản định mua có thuộc diện đất quy hoạch hay dự án nào không?
Người bán hoặc người môi giới có thể không cung cấp thông tin một cách đầy đủ và trung thực về tình trạng pháp lý nhà đất. Thậm chí, nhiều trường hợp đất nằm trong quy hoạch treo đã quá lâu khiến chính người bán cũng không nắm rõ.
Nếu như người mua không có đầy đủ thông tin thì có thể xảy ra trường hợp đã ký hợp đồng công chứng, trả tiền xong rồi nhưng đến lúc sang tên sổ hồng mới phát hiện ra không thể sang tên được.
Để kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất, người mua cần xem sổ hồng. Nếu đất đã có sổ hồng thì thông tin quy hoạch thường sẽ được ghi trực tiếp tại phần ghi chú trong sổ. Bên cạnh đó, bạn có thể tra cứu ở văn phòng công chứng hoặc hỏi thông tin từ hàng xóm xung quanh.
Để đảm bảo chính xác, người mua cần photo sổ hồng của nhà đất cần mua bán. Sau đó bạn đến hỏi cán bộ địa chính ở phường/xã nơi có nhà đất để hỏi thông tin.
Tại một số địa phương, bạn cũng có thể tra cứu trực tuyến trên mạng thông tin điện tử của UBND. Bạn cũng có thể nộp phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai tới cơ quan hành chính công, văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp quận huyện nơi chưa có văn phòng đăng ký đất đai.
III- THÔNG TIN VỀ TRANH CHẤP, NGĂN CHẶN
Bất động sản có thể bị dừng tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… nếu bất động sản đó có tranh chấp, ngăn chặn.
Tuy vậy, vấn đề tranh chấp nhà đất hiện khá phức tạp. Nhiều tranh chấp nhỏ, ngầm và không dễ gì nắm bắt được. Ví dụ như tranh chấp lối đi, hàng rào, đường thoát nước. Những tranh chấp tưởng chừng rất nhỏ cũng có thể khiến cho hàng xóm gây khó dễ, ngăn cản, thậm chí đập phá không cho bạn xây nhà.
Oái oăm hơn, khi bạn làm thủ tục mua bán nhà đất, sang tên sổ hồng ở cơ quan nhà nước mà có người nộp đơn khiếu nại, tranh chấp thì thủ tục sang tên sổ hồng có thể bị ngăn chặn và bị tạm dừng để giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, kinh nghiệm mua nhà cho thấy bạn nên hỏi thông tin từ hàng xóm và UBND phường, xã để có thông tin về tranh chấp.
IV- Thông tin vay nợ, thế chấp
Để chắc chắn hơn về tình trạng pháp lý nhà đất, bạn có thể kiểm tra sổ hồng ở bìa 4 hoặc bìa 3. Nếu nó đã được thế chấp ngân hàng thì thông tin sẽ ghi ở đây. Có trường hợp, sổ hồng được gắn thêm một tờ riêng ghi thông tin thế chấp, giữa tờ này và sổ hồng có đóng dấu giáp lai của có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai. Nếu người bán muốn giấu thông tin thế chấp bằng cách gỡ tờ đó ra thì bạn sẽ thấy một phần dấu giáp lai.
Trong trường hợp người bán dùng nhà đất để thế chấp cho cá nhân, tổ chức để vay “nóng”, vay lãi suất cao thì sẽ khó khăn hơn để kiểm tra. Lúc này, người mua nên tìm hiểu xem người bán có chơi cờ bạc, nợ nần, làm ăn thua lỗ cần vay lãi cao hay không.
Một cách khác là bạn nên yêu cầu kiểm tra sổ hồng bản gốc trước khi đặt cọc. Thường bên cho vay thế chấp sẽ giữ sổ hồng gốc nên nếu người bán đưa ra được sổ hồng gốc thì người mua có thể yên tâm phần nào.
Trên đây là những cách kiểm tra pháp lý nhà đất cơ bản. Nếu bạn nắm rõ được những bước này thì sẽ ít bị lừa trong giao dịch, chuyển nhượng.
Sưu tầm